Phát triển bền vững ngành ngô xuất khẩu tại Việt Nam

Phát triển bền vững ngành ngô xuất khẩu tại Việt Nam
phat-trien-ben-vung-nganh-ngo-xuat-khau-tai-viet-nam
19/03/2024

Phát triển bền vững ngành ngô xuất khẩu tại Việt Nam

Trên thế giới, ngô là cây lương thực quan trọng bên cạnh lúa mì và lúa gạo. Ở Việt Nam, ngô là cây thức ăn chăn nuôi quan trọng nhất hiện nay. 70% chất tinh trong thức ăn tổng hợp của gia súc là từ ngô; ngô còn là thức ăn xanh và ủ chua lý tưởng cho đại gia súc, đặc biệt là bò sữa.

Trên thế giới, ngô là cây lương thực quan trọng bên cạnh lúa mì và lúa gạo. Ở Việt Nam, ngô là cây thức ăn chăn nuôi quan trọng nhất hiện nay. 70% chất tinh trong thức ăn tổng hợp của gia súc là từ ngô; ngô còn là thức ăn xanh và ủ chua lý tưởng cho đại gia súc, đặc biệt là bò sữa.

Ngô - mặt hàng nông sản đầy tiềm năng

Gần đây, cây ngô còn là cây thực phẩm; người ta dùng bắp ngô bao tử làm rau cao cấp vì nó sạch và có hàm lượng dinh dưỡng cao; ngô nếp, ngô đường (ngô ngọt) được dùng làm quà ăn tươi (luộc, nướng) hoặc đóng hộp làm thực phẩm xuất khẩu. Ngô còn là nguyên liệu của ngành công nghiệp lương thực, thực phẩm và công nghiệp nhẹ để sản xuất rượu, cồn, tinh bột, dầu, glucôzơ, bánh kẹo. Trong y dược, ngô được dùng để trị áp huyết, râu ngô được dùng để làm thuốc.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát cho biết, hiện nay, chúng ta đang phải nhập khẩu nguyên liệu để chế biến thức ăn công nghiệp cho chăn nuôi, chủ yếu là ngô, đỗ tương và một phần lúa mì. Để giảm nhập khẩu, cần thúc đẩy phát triển sản xuất ngô và đỗ tương. Trong đó, cây ngô có triển vọng hơn, vì chúng ta đã có giống năng suất cao, nhưng đối với đỗ tương thì sẽ khó hơn vì chúng ta chưa có những giống có năng suất vượt trội.

Việt Nam nằm trong vùng sinh thái nhiệt đới thấp; cây ngô đã được đưa vào sản xuất cách đây 300 năm. Những năm gần đây, nhờ có các chính sách khuyến khích của Nhà nước và nhiều tiến bộ kĩ thuật, đặc biệt là về giống, cây ngô đã có những tăng trưởng đáng kể về diện tích, năng suất và sản lượng, đồng thời đã hình thành 8 vùng trồng ngô chính trong cả nước: Vùng miền núi Đông, vùng miền núi Tây Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ bao gồm các tỉnh, vùng Cao nguyên Nam Trung Bộ, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, hiện nay, diện tích trồng ngô ở Việt Nam hàng năm vào khoảng 1,1 triệu ha, năng suất trung bình 43 tạ/ha, sản lượng dao động trong khoảng 4,5 - 5 triệu tấn/năm; chiếm vị trí thứ hai chỉ sau cây lúa nước. Trong khi đó, nhu cầu về ngô của nước ta hiện nay là trên 5 triệu tấn/năm kể cả cho chế biến lương thực và chăn nuôi, hơn nữa, tổng sản lượng ngô sản xuất vẫn chưa đủ cho nhu cầu trong nước, hàng năm vẫn phải nhập trên nửa triệu tấn. Đây là điều kiện thuận lợi để sản xuất ngô phát triển mở rộng.

Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên của Việt Nam hoàn toàn thích hợp cho sản xuất ngô, đặc biệt là các vùng miền núi trong điều kiện canh tác lúa bị hạn chế.

Đặc biệt, ngô còn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, chúng ta cũng đã bước đầu xuất bán được giống ngô sản xuất trong nước. Trong tương lai, khi đã sản xuất đủ cho nhu cầu nội địa, chắc chắn ngô sẽ là mặt hàng xuất khẩu của nước ta giống như lúa gạo, vì nhu cầu lương thực và chế biến của thế giới cũng ngày một tăng, nhiều nước trên thế giới sử dụng ngô là lương thực chính, trong khi các giống ngô được trồng ở Việt Nam đều có chất lượng tốt.

Những khó khăn và vấn đề đặt ra

Bên cạnh những thuận lợi, thì vẫn còn những khó khăn và thách thức làm ảnh hưởng tới việc phát triển cây ngô ở nước ta hiện nay. Theo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, sản xuất ngô ở nước ta còn mang tính nhỏ lẻ và phân tán, đặc biệt là các vùng miền núi, khó cơ giới hóa.

Trong thời gian tới, có thể sẽ có mặt cây ngô biến đổi gen ở nước ta, là các giống ngô có nhiều ưu thế về năng suất. Đây là một thực tế có thể chúng ta phải chấp nhận nhưng làm thế nào để nó cạnh tranh lành mạnh với các giống ngô sản xuất trong nước là vấn đề không chút dễ dàng cho sản xuất ngô ở nước ta. Hơn nữa, tham gia vào thị trường thương mại thế giới có sự đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng nông sản. Do vậy, phải có sự đầu tư một cách đồng bộ từ sản xuất đến đánh giá kiểm định chất lượng, bảo quản và vận chuyển tiêu thụ.

Để khắc phục và hạn chế những khó khăn và thách thức này, ngành nông nghiệp trong thời gian tới sẽ phát triển vùng sản xuất ngô tập trung, sản xuất theo hướng bền vững, tăng cường đầu tư thâm canh, chú trọng luân, xen canh ngô với các loại cây họ đậu. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung nghiên cứu, phát triển các giống ngô lai mới theo hướng năng suất, chất lượng, có khả năng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của nhiều vùng và địa phương trong cả nước.

Ngoài ra, cần phát triển sản xuất ngô gắn kết chặt chẽ, đồng bộ từ khâu sản xuất, đến sơ chế và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, quy trình công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị sản xuất ngô..


 

Zalo Điện thoại
Lên đầu