Thức ăn chăn nuôi vì sao tăng giá mạnh?

Thức ăn chăn nuôi vì sao tăng giá mạnh?
thuc-an-chan-nuoi-vi-sao-tang-gia-manh
04/11/2021

Thức ăn chăn nuôi vì sao tăng giá mạnh?

Thức ăn chăn nuôi (TACN) thời gian qua liên tục tăng giá khiến ngành chăn nuôi của nước ta đã gặp khó khăn do dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19) lại càng trở nên khó khăn hơn

Tăng giá thức ăn chăn nuôi do phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Tiến Mạnh, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) thở dài ngao ngán nói: "Giá bán gia cầm thời gian qua liên tục giảm mạnh do nguồn cung trên thị trường lớn và tác động của dịch Covid-19 khiến việc vận chuyển khó khăn, thương lái ít đến mua hơn. Trong khi đó, giá TACN lại liên tục tăng khiến người chăn nuôi chúng tôi, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm gặp không ít khó khăn, thậm chí thua lỗ".

Theo bà Trần Ngọc Yến, Giám đốc Khối phân tích, Công ty Cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor): Giá ngô (chiếm 40-50% tỷ trọng trong TACN) trên thế giới tăng khiến TACN tăng. Giá ngô trên thị trường thế giới thời điểm cao nhất vào tháng 3 và 4-2021 là 290USD/tấn so với mức giá tháng 7-2020 là 130USD/tấn. Giá ngô tháng 7-2021 ở mức 220USD/tấn. Cùng với đó, giá đậu tương tăng 20-30% và lúa mì-nguyên liệu trong TACN trên thế giới-cũng tăng do sản lượng ở một số quốc gia xuất khẩu chính bị giảm. Cùng với đó, giá cước vận chuyển bằng đường biển trên thế giới thời gian qua cũng tăng liên tục. Đây chính là những nguyên nhân đẩy giá TACN trong nước tăng thời gian qua.

Tại Việt Nam, chăn nuôi gia cầm thời gian qua đã tăng trưởng “nóng”, nguồn cung sản phẩm tăng, trong khi đó ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cầu giảm, cộng thêm các khâu chế biến, giết mổ gia cầm bị ảnh hưởng làm giá gia cầm sống tiếp tục giảm mạnh. Tại các tỉnh Đông Nam Bộ, giá gà lông trắng thời điểm cuối tháng 7 đầu tháng 8-2021 chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg (gà hơi).

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết: "Nguyên nhân lượng nhập khẩu nguyên liệu TACN của nước ta lớn như vậy và không ngừng gia tăng là do mỗi năm, ngành nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp tối đa 4,5-5 triệu tấn ngô hạt, 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn làm TACN, trong khi nhu cầu hằng năm cần tới 26-27 triệu tấn các loại, chủ yếu là ngô, đậu tương, lúa mì, dầu động, thực vật (vốn không phải là các loại cây trồng thế mạnh của Việt Nam). Khi giá nguyên liệu TACN nhập khẩu gia tăng thì giá thành sản xuất và giá bán TACN thành phẩm lập tức tăng theo. Từ đó dẫn đến giá TACN trong nước luôn cao hơn mặt bằng chung của thế giới, khiến sản phẩm thịt, trứng, sữa sản xuất trong nước chịu lép vế về giá so với hàng nhập khẩu cùng loại".

Mặc dù là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở tốp đầu thế giới, song ngành sản xuất TACN công nghiệp nước ta vẫn phải nhập khẩu 70-85% nguyên liệu từ nước ngoài và hằng năm đều tăng cả về lượng cũng như giá trị. Nếu như năm 2019, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu TACN là 6,862 tỷ USD, thì trong năm 2020 là 7,162 tỷ USD với khối lượng hơn 20 triệu tấn. Và 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu TACN đã là 3,903 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020.

Cần giải bài toán tự chủ nguyên liệu

Trước tình trạng hiện nay, theo các chuyên gia, đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu TACN trong nước một cách căn cơ, bài bản, nhằm giảm bớt phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu. Theo đó, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, mà một trong các giải pháp đó là phát triển các giống cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học làm TACN có năng suất và sản lượng cao với kỳ vọng góp phần giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu như ngô-thành phần chính trong TACN-và hạ giá thành TACN sản xuất trong nước. Ông Trần Xuân Định, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho biết: "Về giải pháp trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh diện tích ngô công nghệ sinh học để bổ sung, giảm phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Các chuyên gia về nông nghiệp cũng đề nghị việc tận dụng các phế phụ phẩm trong trồng trọt, sản xuất, chế biến thủy sản (bã mía, rỉ đường, phụ phẩm từ cá tra) để sản xuất, chế biến TACN.

Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cần phải liên kết ngang thành hợp tác xã, chi hội sản xuất để mua TACN khối lượng lớn trực tiếp từ các nhà máy sản xuất, sẽ giảm được chi phí qua các khâu trung gian là các cấp đại lý bán thức ăn. Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục nghiên cứu và triển khai thực hiện chính sách chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây làm nguyên liệu sản xuất TACN.

* Nguồn: Báo Quân đội nhân dân

Zalo Điện thoại
Lên đầu